For more information, please send an email to information.poc@gmail.com

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Đi tìm Thu Thu tuổi thơ…
Nguyễn Đăng Nghĩa

“Dung dăng dung dẻ 
                                                Dắt trẻ đi chơi
                                    Đến ngõ nhà Trời
Lạy Cậu lạy Mợ
Cho chó về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào…”

Những câu đồng dao quen thuộc ấy cứ ngân vang mãi trong chúng ta mỗi độ trung thu về. Đã tự bao giờ, trung thu là trở thành ngày tết của thiếu nhi với bao trò chơi, hoạt động sôi nổi như: Múa Lân, rước đèn, phá cỗ đêm trăng,…

Để tìm lại những nét đẹp truyền thống xưa và cũng để chuẩn bị cho chương trình POC 9, POC team đã tìm đến một làng nghề làm đèn ông sao truyền thống từ rất lâu đời ở ngoại thành Hà Nội. Đó là làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, HN. Không kể trời mưa to, lần mò tìm địa chỉ và những con đường lầy lội bùn đất mà không ít lần bị ngã xe. Với tất cả niềm đam mê văn hóa Việt, chúng tôi hi vọng mang đến cho các bạn trẻ một cái nhìn mới mẻ về đồ chơi Trung Thu truyền thống của dân tộc ta.


Ngay từ xa xưa, các cụ ta đã quan niệm những món đồ chơi và trò chơi chính là công cụ hữu ích để giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn con người. Và dường như, bất kì món đồ chơi truyền thống nào cũng đều có linh hồn của riêng nó. Đằng sau chiếc đèn ông sao, ông Tiến sĩ giấy, tò he, mặt nạ…là bao câu chuyện và tâm huyết của ông cha gìn giữ từ ngàn đời nay. 

Trong số tất cả những thứ đồ chơi của trẻ em ngày Trung Thu, đáng kể nhất vẫn là ông Tiến sĩ giấy được đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả và đèn trang trí mà đã được “ Tam nguyên Yên Đổ” trào phúng bằng những câu thơ:           
                       
                        “ Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
                          Cũng gọi ông nghè có kém ai
                          Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
                          Nét son điểm rõ mặt văn khôi          
                          Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
                          Cái giá khoa danh thế mới hời
                          Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe
                          Nghĩ rằng đồ thật, hóa đồ chơi”


                                  
Không chỉ được sử dụng trong dịp lễ Trung Thu, ngày xưa người lớn cũng thường mua ông Tiến sĩ giấy để tặng cho con trẻ vào đầu năm học với hy vọng món quà ý nghĩa này sẽ khuyến khích các em chăm chỉ học hành hơn.

Ngoài ra, không thể thiểu trong dịp Trung Thu là những chiếc đèn ông sao sặc sỡ sắc màu. Để làm ra được một chiếc đèn ông sao, các nghệ nhân phải vất vả trải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng: từ chọn nứa cho đến cắt dán. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn khung đèn. 


Cô Nguyễn Thị Tuyến – nghệ nhân duy nhất còn làm đèn ông sao ở làng Hậu Ái giải thích cho chúng tôi nguồn gốc và ý nghĩa của từng món đồ chơi. Làm quen với các loại đồ chơi Trung thu từ nhỏ, xuất thân trong một gia đình có 4 đời truyền thống làm đồ chơi trung thu truyền thống, năm nay ở tuổi 48 nhưng cô Tuyến đã có gần 40 năm gắn bó với nghề. Với mong muốn giữ nghề truyền thống để mang thêm nhiều niềm vui đến cho trẻ em khắp thôn xóm, chị đã chấp nhận tất cả, một mực gắn bó với những kéo, những giấy, những hồ, những tre nứa... kiên trì, tỉ mỉ hoàn thiện món đồ chơi như ý. Tuy không mang lại hiệu quả kinh tế và cũng không đủ người làm nên mỗi vụ Trung thu, cô Tuyến chỉ duy trì làm với số lượng cầm chừng. Một phần để giao cho Bảo tàng Dân tộc học, một phần cho phố Cổ, trường học và một số để phục vụ các gia đình trong làng, nhắc nhở các cháu nhớ về những đồ chơi của tổ tiên, cha ông.

Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho chúng tôi những cảm xúc chợt ùa về của một mùa trung thu quá khứ. Lâu lắm rồi, những đứa trẻ thành phố như chúng tôi mới biết đến ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy là gì và cảm thấy như được sống lại với tuổi thơ của mình. Vì thế, POC  rất mong muốn đem lại cho các bạn cảm giác đó trong chương trình số 9 với chủ đề Trung Thu – Halloween.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

For more information related to POC, please email to information.poc@gmail.com.